Ở Việt Nam có 2 chi, 31 loài. Đại diện cây hồ tiêu (Piper nigerum; tk. cây tiêu, dây tiêu), cây gia vị nhiệt đới, sống lâu năm. Cây leo. Lá có phiến hình bầu dục, đỉnh nhọn. Hoa mọc thành bông, dài gần bằng phiến lá. Hoa có lá bắc bao bọc. Quả mọng hình cầu, màu đỏ lúc tươi, màu đen khi khô, có vị cay thơm. Môi trường sinh trưởng tự nhiên là rừng xích đạo quanh năm xanh, nóng, ẩm, lặng gió, che bóng, với nhiệt độ trung bình năm 24 -26oC, lượng mưa 2.500-3.000 mm/năm, đất thoát nước, nhiều màu. Có nguồn gốc từ vùng Tây Nam Ấn Độ, HT được trồng ở nhiều nước Đông Nam Á, với hơn 50 chủng, được phân thành hai nhóm: Lampong - cây khoẻ có lá rộng, hạt nhỏ, chín sớm; Bangka - cây mảnh, lá nhỏ, hạt to, chín muộn.
Ở Việt Nam, HT được trồng nhiều ở Trung Bộ và Nam Bộ với nhiều giống: giống địa phương có tiêu Tiên Sơn, tiêu Quảng Trị, tiêu Đất Đỏ, tiêu Di Linh; giống nhập nội phổ biến là giống HT lá to Lada Benlattvong của Inđônêxia, nhập vào Nam Bộ năm 1947. HT có thể trồng bằng hạt hay hom (cành giâm hay chiết, ghép). Cây choái (nọc tiêu) sống hay chết, để cho cây tiêu leo; cây choái sống là các loài cây vông, muồng đen, keo giậu, mít, lồng mức... HT được chế biến thành tiêu đen hay tiêu sọ (hạt trắng). Có ba hoạt chất đặc trưng: piperin, phelanđren và oleoresin. Sản lượng thế giới hằng năm khoảng 100 nghìn tấn.
Ý kiến bạn đọc