Điều: (Anacardium occidentale; tk. đào lộn hột)
Điều: (Anacardium occidentale; tk. đào lộn hột), cây nhiệt đới thường xanh, họ Điều (Anacardiaceae). Cao 6 - 14 m. Cành dài toả rộng. Lá đơn nguyên, nhẵn cả hai mặt, mọc cách; phiến lá dày, hình trứng ngược, tròn đầu. Hoa không đều, mẫu 5, có lá bắc, hợp thành chuỳ lớn, dài gấp đôi lá; đài hợp, tràng 5, búp lợp; nhị 5 - 10; bầu 1 noãn. Quả hình thận dính trên một cuống phồng to. Đ phát triển ở những vùng nóng ẩm và nửa khô hạn có mùa khô dài trên 4 tháng, chủ yếu từ 15o vĩ Bắc đến 15o vĩ Nam.
Chịu khô hạn, trong điều kiện đất xốp, rễ có thể đâm sâu xuống tầng nước ngầm. Chịu được đất cằn cỗi, nghèo kiệt, nhưng không chịu đất mặn. Ra hoa vào đầu mùa khô. Truyền phấn nhờ côn trùng. Trồng bằng hạt hay bằng cành, giâm, ghép. Ra quả 3 năm sau khi trồng, cho thu hoạch trong 10 - 15 năm. Nguyên sản ở phía bắc Nam Mĩ, Đ hiện nay được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới Châu Phi, Châu Á. Ở Việt Nam, Đ được trồng từ trước năm 1945, hiện đang phát triển ở các tỉnh phía nam. Quả thật (tức hạt Đ) có giá trị dinh dưỡng cao với 35 - 46% dầu ăn được và 5 - 25% protein, nhiều vitamin B1, B2, B3; giàu lân và kali. Quả giả (trái Đ) có nhiều vitamin C (234 - 371 mg/100 g) gấp 5 lần cam quýt. Vỏ hạt Đ có chất dầu ăn da, bị khử khi nướng chín. Cây có nhiều công dụng: gây lại rừng trên đất xấu; cố định cát bờ biển; gỗ làm than củi; vỏ lấy chất nhuộm và thuộc da; dầu vỏ hạt Đ làm chất sát khuẩn, chống thấm, làm nguyên liệu chế biến chất dẻo, pha sơn. Năng suất trung bình 500 kg/ha, có thể đạt trên 2.000 kg/ha với giống ghép có chọn lọc.
Ý kiến bạn đọc